Những phương thuốc trị đầy bụng khó tiêu từ hoắc hương

Những phương thuốc trị đầy bụng khó tiêu từ hoắc hương

Đầy bụng khó tiêu là tình trạng rất thường gặp, gây ấm ách khó chịu cho người mắc. Một số bài thuốc từ hoắc hương có thể giúp người bệnh ứng phó với tình trạng này…

Đặc điểm khí hậu mùa hè ở miền Bắc nước ta là nóng và ẩm, Đông y gọi điều kiện khí hậu như vậy là “thấp nhiệt”. “Thấp” là một tác nhân thường hay gây bệnh trong mùa hè, nhất là các bệnh đường tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu. Hoắc hương là vị thuốc chủ yếu chữa các bệnh do “thấp” gây nên.

Đặc điểm và công dụng của hoắc hương

Theo bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, vị thuốc hoắc hương là cành và lá, hoặc toàn cây (trừ rễ), đã phơi hay sấy khô của cây hoắc hương. Đây là một cây thảo, sống lâu năm, thân có phân nhánh, cao chừng 30-60cm, trên thân có lông, lá có mùi thơm.

Lá có cuống ngắn, phiến lá hình trứng hay hình thuỗn, dài chừng 5-10cm, rộng 2,5-7cm, mép có răng cưa to, mặt dưới nhiều lông hơn. Hoa màu hồng tím nhạt mọc thành bông ở kẽ lá hay đầu cành. Cây được trồng nhiều nơi chủ yếu lấy lá và cành làm thuốc.

Theo Đông y, hoắc hương có vị cay, tính hơi ấm; vào các kinh Tỳ, Vị; có tác dụng kiện vị (mạnh dạ dày), hóa thấp, giải biểu (giải cảm), tiêu thử (chống nóng), chỉ ẩu (cầm nôn), giảm ngứa; được dùng làm thuốc trợ giúp tiêu hóa trong những trường hợp ăn không ngon, sôi bụng, đau bụng đi ngoài, cảm mạo, cảm cúm, nhức đầu, mệt mỏi.

Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác.

Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM, hoắc hương có tác dụng kháng khuẩn rộng, có khả năng ức chế các loại nấm gây bệnh leptospirosis, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, enterocoli, trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn tán huyết type A, phế song cầu khuẩn, rhinovirus… Thuốc còn có tác dụng chống thối. Tinh dầu hoắc hương có tác dụng kích thích tăng tiết dịch dạ dày, tăng cường tiêu hóa.

Bài thuốc chữa đầy bụng khó tiêu

Chữa ăn uống không tiêu, hay sôi bụng: Hoắc hương 12g, thạch xương bồ 12g, hoa cây đại 12g, vỏ bưởi đào đốt cháy 6g; tất cả tán nhỏ, uống trước bữa ăn 20 phút, với nước nóng; ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g.

Chữa ăn uống không tiêu, đau bụng tiêu chảy: Hoắc hương 15g, tô diệp 10g, thương truật 8g, cam thảo 3g, trần bì 5g, đại táo 4 quả, hậu phác 3g, phục linh 6g. Tất cả tán bột chia mịn. Theo Đông y, người lớn ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 8g-12g, cách 1-2 giờ uống 1 lần. Trẻ em 8-10 tuổi mỗi lần 8g, ngày 2 lần.

Chữa bụng đầy tức, kém ăn, nôn mửa do hàn thấp: Hoắc hương diệp 10g, chế bán hạ 10g, đinh hương 2g, trần bì 10g; sắc nước uống.

Chữa kém ăn, trướng bụng: Hoắc hương 10g, sa nhân 5g, hậu phác 10g, trần bì 4g, mộc hương 10g, chỉ thực 10g; sắc nước uống.