Đậu ván trắng là một loài thực vật được trồng phổ biến ở khắp nước ta. Công dụng chủ yếu là để làm thực phẩm, nhưng ít ai biết được rằng, đậu ván trắng còn là một bài thuốc hữu hiệu theo y học cổ truyền.
- Điều trị bệnh gút từ những thảo dược thiên nhiên
- Chữa trào ngược dạ dày hiệu quả từ các bài thuốc đông y
Mô tả đặc điểm cây thuốc
Theo từ điển Cây Thuốc Đông Y bạch biển đậu là cây dây leo, cây có thể sống từ 1 – 3 năm, dây trưởng thành dài tới 4 – 5m. Thân cây có góc, hình trụ, màu xanh, nhỏ, bề mặt hơi có rãnh, có lông thưa, dài và mềm.
Lá kép mọc thành chùm, mỗi lá kép có 3 lá chét hình trứng. Lá chét phiến hình xoan, phía dưới hơi bè ra hình trám, lá mọc so le. Mặt trên lá không có lông, mặt dưới lá phủ lông ngắn.
Hoa trắng hay tím nhạt, mọc thành chùm ở ngọn cành hay kẽ lá, hoa hình bướm.
Quả đậu màu lục nhạt, khi chín có màu vàng nhạt, đầu quả có mỏ nhọn. Quả dài 7 – 9cm, rộng 1,5 – 2,5cm hơi cong về một phía giống hình lưỡi liềm, trên đầu có mỏ nhọn cong lên phía lưng quả, hai mép sần sùi.
Quả chứa 2 – 4 hạt, hình trứng, tròn, dẹt, dài 8 – 15mm, rộng 6 – 8mm, dày 2 – 4mm. Hạt màu trắng ngà, rốn hạt hình trái xoan màu trắng, ngay sát lỗ rốn là noãn màu nâu sẫm. Từ rốn có mồng nổi lên màu trắng lồi về một bên mép của hạt kéo dài đến 1/3 chu vi hạt thành hình lưỡi liềm. Trên mồng trắng có 2 đường rãnh chia mồng thành 3 phần.
Cây ra hoa vào tháng 4 – 5, mọc quả vào tháng 9 – 10.
Phân bố
Cây Bạch biển đậu được trồng khắp nơi ở nước ta, gặp nhiều ở Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang,… Cây trồng chủ yếu để lấy quả, hạt để ăn và hạt già làm thuốc.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Người ta dùng Hạt, lá, hoa, rễ của cây để làm thuốc.
Hạt được thu hái lúc quả chín, thường vào khoảng tháng 9 – 10, lúc tiết trời khô ráo. Chọn những quả thật già, vỏ ngoài vàng khô, bóc vỏ lấy hạt bên trong, đem phơi hay sấy khô. Hạt để làm thuốc cần chọn những hạt cứng chắc, tròn trịa, màu trắng ngà, không sâu mọt.
Hoa thu hái vào khoảng tháng 4 – 5, lá có thể lấy quanh năm.
Bảo quản dược liệu nơi khô ráo, tránh ẩm ướt, mối mọt, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thuốc.
Thành phần hóa học của Bạch biển đậu
Theo các giảng viên dạy Cao đẳng Y sĩ đa khoa – Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết thêm trong hạt Bạch biển đậu chứa 22,7% protein, 1,8% chất béo, 5% carbohydrate (bao gồm các đường saccharose, glucose, stachyose, maltose, raffinose); 0,048% canxi; 0,052% photpho; 0,001% sắt.
Ngoài ra còn có các vitamin A, B2, C và nhiều B1.
Các acid amin phổ biến gồm tryptophan, arginin, lysine, tyrosin,… và còn có axit L- pipecolic và phytoagglutinnin
Các tác dụng dược lý
Người ta có một vài nghiên cứu trên Bạch biển đậu và thấy rằng nó có một số tác dụng sau:
Khả năng kháng khuẩn: dịch tiết từ dược liệu này được cho rằng có thể ức chế hoạt động của trực khuẩn lỵ.
Khả năng giải độc: Bạch biển đậu có tác dụng chống ngộ độc thực phẩm sinh ra nôn ói, có thể giải độc rượu, giải độc của cá nóc,….
Công dụng của vị thuốc
Bạch biển đậu là một vị thuốc có vị ngọt, tính hơi ấm, từ xưa đã được dùng chữa một số chứng bệnh sau:
Giải cảm nắng, khô khát họng khi bị cảm.
Bổ tỳ vị hư yếu (tỳ vị hư yếu làm ăn uống không tiêu, người mệt mỏi, đi phân lỏng,…)
Chữa ra huyết trắng ở phụ nữ.
Chữa đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ.
Trị viêm dạ dày và ruột cấp tính.
Giải ngộ độc rượu, độc thạch tín, độc cá nóc, ngộ độc thức ăn mà sinh nôn mửa.
Ngoài ra lá cây có thể chữa hóc xương, yết hầu sưng đau, tiểu ra máu, rắn cắn.
Rễ cây phối hợp với các vị thuốc khác chữa đậu lào, chữa điên, đau giật, co quắp tay chân.
Cách sử dụng thuốc
Dưới đây là cách sử dụng thuốc do giảng viên Cao Đẳng Dược chia sẽ mà bạn có thể tham khảo và học hỏi như sau:
Hạt dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, mỗi ngày khoảng 8 – 16gr. Rễ cây dùng với liều cao hơn. Lá tươi giã lấy nước pha chút muối súc chữa yết hầu sưng đau; hoặc giã lấy nước uống trong, bã đắp ngoài chữa rắn cắn.
Một số bài thuốc từ Bạch biển đậu
Bài thuốc trị trúng độc thức ăn
Dùng 20gr Bạch biển đậu giã sống, thêm ít nước, vắt lấy nước uống.
Hoặc: Bạch biển đậu nướng cháy, nghiền thành bột hòa với nước uống.
Bài thuốc trị đau bụng do ăn không tiêu
Bạch biển đậu bỏ vỏ 40gr, Lá hương nhu 80gr, Hậu phác 40gr. Bạch biển đậu sao vàng, Hậu phác tẩm nước gừng cũng sao vàng. Tán nhỏ tất cả làm thành viên 1gr. Khi dùng uống với nước.
Bài thuốc trị dịch tả
Bạch biển đậu tán thành bột hòa với giấm để uống, có thể thêm Hương nhu.
Bài thuốc chữa chứng tiêu khát
Dùng Bạch biển đậu làm ra bột, dùng nước cốt Thiên hoa phấn, nếu không có củ tươi thì dùng củ khô thái nhỏ ra mà tán thành bột cũng được, cùng với mật tốt hòa làm hồ mà viên to bằng hạt cây ngô đồng, dùng Kim bạc làm áo, mỗi lần uống 20, 30 viên, dùng nước nấu Thiên hoa phấn làm thang mà uống, mỗi ngày 2 lần.
Trong thời gian uống thuốc này thì kiêng ăn những thức ăn chiên xào béo ngọt, cũng phải kiêng tửu sắc. Sau phải uống thêm thuốc bổ thận.
Bạch biển đậu là món ăn, vị thuốc quen thuộc, dễ tìm, dễ sử dụng. Tuy nhiên Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho hay những người bị cảm hàn hay sốt rét kiêng dùng. Và cũng không nên dùng liên tục trong thời gian dài. Tóm lại, để sử dụng chữa bệnh, bệnh nhân cần có sự thăm khám, chẩn đoán và kê đơn của thầy thuốc.