Hạt trắc bách là vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền với những tác dụng dưỡng tâm, an thần, nhuận tràng,… được thầy thuốc và người bệnh tin tưởng sử dụng.
- Y sĩ YHCT chia sẻ 3 bài thuốc điều trị viêm da cơ địa tại nhà
- Những điều cần biết về dược liệu dâu rượu trong Y học cổ truyền
- YHCT mách bạn những công dụng chữa bệnh cực hay từ lá sung
Hạt trắc bách: Vị thuốc YHCT mang giá trị dưỡng tâm
Hạt trắc bách còn được gọi với cái tên khác là bá tử nhân. Tên khoa học Semen Thuya orientalis, là nhân hạt phơi hay sấy khô của cây trắc bách: Thuya orientalis L. [Biota orientalis (L) Endl.], họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Theo các nghiên cứu hiện đại, hạt trắc bách có chứa saponosid, lipid.
Đối với Dược học cổ truyền, hạt trắc bách vị ngọt, tính bình; vào tâm, can, tỳ. Trong các tài liệu cổ, hạt trắc bạch có tác dụng dưỡng tâm an thần, nhuận tràng thông tiện; được dùng nhiều trong các trường hợp lo âu, mất ngủ (tâm quý thất miên), hồi hộp, đánh trống ngực, đại tiện táo. Liều dùng 9 – 15g, người bệnh có thể sử dụng bằng cách sắc, nấu, hầm, rang hoặc xào.
Bài thuốc trị bệnh từ hạt trắc bách trong YHCT
Theo Y sĩ y học cổ truyền Hà Nội, nếu muốn dưỡng tâm, an thần, điều trị các chứng mất ngủ, hay hồi hộp, mơ tinh thần hoảng hốt, tim đập mạnh, trị thiếu máu, trí nhớ suy giảm, người bệnh có thể áp dụng một trong những bài thuốc sau:
Bài 1: Hạt trắc bách 16g, toan táo nhân 16g, viễn chí 8g, ngũ vị tử 8g. Tất cả đem sắc uống. Bài thuốc có tác dụng chữa máu không đủ nuôi dưỡng tim, hồi hộp, ngủ ít.
Bài 2: Hạt trắc bách 20g, thục địa 20g, câu kỳ tử 12g, mạch môn đông 12g, phục thần 12g, đương quy 12g, huyền sâm 12g, xương bồ 4g, cam thảo 4g. Tất cả các vị đem sắc uống.
Bài 3: Hạt trắc bách 500g, đương quy 500g. Các vị đem nghiền bột mịn, luyện với mật, làm hoàn. Ngày đem uống 2 lần, mỗi lần 12g.
Bên cạnh tác dụng dưỡng tâm, an thần, bài thuốc chứa hạt trắc bách còn rất tốt cho việc nhuận tràng, dùng cho người già, người âm hư và phụ nữ sau đẻ bị táo bón: hạt trắc bách 12g, hoả ma nhân 12g, nhân hạt quả thông 12g. Các vị nghiền bột mịn, luyện với mật làm hoàn hoặc sắc uống.
Tác dụng bổ âm, cầm mồ hôi của hạt trắc bách: hạt trắc bách 16g, cù mạch 16g, mẫu lệ 12g, ma hoàng căn 12g, , bán hạ khúc 12g, đảng sâm 12g, bạch truật 12g ngũ vị tử 8g. Tất cả các vị đem nghiền bột mịn, trộn với thịt quả đại táo, làm hoàn hoặc sắc uống.
Hạt trắc bách
Món ăn bài thuốc trị bách bệnh có chứa hạt trắc bách
Bên cạnh giới thiệu những bài thuốc sắc có hạt trắc bách, trong các buổi học tại các lớp Đại học, Trung cấp Y học cổ truyền Hà Nội, trên các diễn đàn chăm sóc sức khỏe,… khó có thể thiếu vắng những món ăn bài thuốc từ vị thuốc này. Chẳng hạn như:
Tim lợn hầm hạt trắc bách: Hạt trắc bách 30g, tim lợn 1 quả. Tim bóc màng rửa sạch, rạch mở cho hạt trắc bách vào, sau đí khâu lại, hầm cách thủy cho chín nhừ, khi ăn thêm gia vị. Món ăn bài thuốc rất tốt cho người đánh trống ngực hồi hộp, loạn nhịp tim, lo âu, mất ngủ quên lẫn.
Cháo hạt trắc bách: Hạt trắc bách 10 – 15g, gạo tẻ 100g, mật ong vừa đủ. Hạt trắc bách giã dập, nấu với gạo thành cháo, sau dó cho mật ong khuấy đều và đun sôi lăn tăn là được. Món ăn bài thuốc YHCT này rất thích hợp đối với các trường hợp đánh trống ngực hồi hộp, loạn nhịp tim, lo âu, quên lẫn, mất ngủ, táo bón lâu ngày.
Mật ướp hạt trắc bách cúc hoa: Hạt trắc bách 30g, cúc hoa 30g. Các vị đem sao khô tán mịn, cất vào lọ kín dùng dần. Mỗi lần dùng lấy 14 – 18g hòa với nước nóng, thêm mật ong khuấy đều. Món ăn góp phần làm đẹp nhan sắc cho phụ nữ.
Tuy nhiên những người có đàm thấp, bị tiêu chảy thì không nên dùng. Đồng thời bạn nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám y học nếu thấy không khỏe và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của thầy thuốc. Không nên tự ý mua thuốc về dùng nếu bản thân không có những kiến thức nhất đị về hạt trắc bạch hay bất kỳ vị thuốc nào nhằm đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả của thuốc.
Nguồn: Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn