Bí tiểu trong Y học cổ truyền thuộc chứng lung bế. Việc điều trị có nhiều phương pháp khác nhau. Bạn có thể sử dụng bài thuốc Đông Y dưới đây trị bí tiểu cực hiệu quả.
Y học cổ truyền bài thuốc Đông Y trị bí tiểu
Nguyên nhân và cách điều trị bí tiểu là gì?
Bí tiểu thuộc chứng lung bế “đi tiểu rất khó khăn” của y học cổ truyền. Chứng này đa phần do can khí uất kết, mỗi khi tức giận hay xúc động buồn phiền lại khó đi tiểu, hông sườn bụng đầy tức, nguyên nhân liên quan đến ăn uống không hợp lý sinh thấp nhiệt, có khi chức năng nội tạng suy yếu ngoại tà xâm nhiễm mà sinh bí tiểu. Nguyên tắc điều trị của Ðông y là kiện tỳ khai uất thanh thấp nhiệt, bổ chính khử tà…
Bài thuốc Y học cổ truyền trị chứng bí tiểu tùy thể bệnh
Bí tiểu thể thấp nhiệt: Người bệnh thường biểu hiện nước tiểu vàng, tiểu nóng rát, có khi bụng dưới đầy, họng khô, mạch sác có lực.
Bài thuốc: Bát chính tán gia giảm: mộc thông 12g, cù mạch 14g, xa tiền tử 14g, biển súc 14g, hoạt thạch 14g, chi tử 12g, đại hoàng 8g, chích thảo 4g. Các vị tán bột mịn hoặc sắc uống. Công dụng: thanh nhiệt tả hỏa, lợi tiểu thông lâm… Trị các chứng tiểu dắt, tiểu ít, đau, tiểu có sạn, tiểu khó, tiểu lắt nhắt nhiều lần.
Bài thuốc Nam: mã đề, râu ngô, rễ cỏ tranh mỗi vị 30g, nếu dùng tươi liều gấp 3. Sắc 2-3 lít nước uống trong ngày. Công dụng: thanh phế mát gan, thông tiểu, tiêu viêm.
Bí tiểu thể phế nhiệt ủng trệ: Người bệnh thường đi tiểu không thông, phải rặn ra từng giọt, tiểu rát buốt, họng khô khát nước, thở mệt, rêu lưỡi dày vàng, mạch sác.
Bài thuốc: Thanh phế âm tử gia giảm: phục linh 16g, hoàng cầm 12g, tang bạch bì 14g, mạch môn 14g, xa tiền tử 12g, sơn chi 12g, mộc thông12g, đăng tâm 6g, cù mạch 14g, biển súc 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: mát phế, hóa thấp, lợi thủy… trị chứng phế nhiệt ủng trệ mà tiểu không thông rất hiệu quả.
Bài thuốc Nam: mía dò, vỏ rễ cây dâu, rau má, lá tre, vỏ bưởi mỗi vị 30g, nếu dùng tươi liều gấp 3 sắc uống 2-3 lít nước uống. Công dụng: lợi thủy, thanh phế, mát gan, tiêu độc, thông tiểu.
Bí tiểu thể can khí uất kết: Theo Dược học cổ truyền thường khi tức giận người bệnh lại tiểu không thông, hông sườn đầy tức, đại tiện lỏng, mạch huyền.
Bài thuốc: Trầm hương tán gia giảm: trầm hương 16g, thạch vĩ 14g, hoạt thạch 20g, đương quy 14g, trần bì 12g, bạch thược 24g, đông quỳ tử 12g, cam thảo 4g, vương bất lưu hành 24g. Tán bột uống ngày 3 lần 12g, hoặc sắc uống. Công dụng: giải can uất khoan trung, thông tiểu… Trị can khí uất kết tiểu không thông.
Bài thuốc Nam: rau đắng, rau dừa nước, vỏ cam mỗi vị 30g, nếu dùng tươi liều gấp 3 sắc uống 2-3 lít nước uống. Công dụng: mát gan, khai uất, trừ thấp thông tiểu.
Rau dừa nước – Một vị thuốc chữa bí tiểu
Bí tiểu thể thận khí hư: Thường gặp người có tuổi, người bệnh tiểu ít, tiểu khó, kèm đau lưng gối, chân không ấm. Dùng bài thuốc:
Bài thuốc: Tế sinh thận khí hoàn gia giảm: thục địa 32g, sơn thù 16g, bạch linh 12g, hoài sơn 16g, trạch tả 12g, đơn bì 12g, phụ tử chế 6g, quế chi 14g, ngưu tất 12g, xa tiền tử 12g (sao). Sắc hoặc hoàn uống. Công dụng: bổ thận, ích khí, hóa thủy thấp… Trị chứng tiểu tiện ít, tiểu khó do thận khí hư, phì đại tuyến tiền liệt, phù do viêm thận mạn chứng thận dương hư.
Bài thuốc Nam: củ kiệu 30g, hành ta 30g, gừng 12g. Nếu đau lưng gia ngũ gia bì, đỗ trọng 20g. Sắc uống 2-3 lít nước uống. Công dụng: tông dương, tán kết, thông tiểu… trị chứng bí tiểu, tiểu đục, tiểu dắt, dương khí hư chân tay lạnh.