Nội dung bài viết
Một trong những phương pháp trị cúm là xông hơi bằng tinh dầu, vậy phương pháp này có tác dụng như thế nào và sử dụng bao nhiêu là đủ?
- Một số bài thuốc Đông y điều trị bệnh viêm đường hô hấp
- Bài thuốc dân gian điều trị bệnh cảm cúm hiệu quả
- Một số bài thuốc dân gian điều trị ngộ độc thực phẩm
Tác dụng của phương pháp xông lá trị cảm
Thời tiết lạnh là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển gây bệnh cảm cúm, nhất là đối với những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ. Một trong những phương pháp trị cảm cúm hiệu quả thường được sử dụng là xông hơi bằng các loại lá chứa tinh dầu.
Tác dụng của phương pháp xông lá trị cảm
Theo nguồn Dược học cổ truyền, phương pháp này có thể dùng cho cả hai thể cảm hàn và cảm nhiệt. Các loại lá nấu nước xông chứa tinh dầu giúp giải cảm, tiêu độc rất tốt. Nguyên liệu có thể kết hợp nhiều loại lá như: lá bưởi, cúc tần, hương nhu, ngải cứu, tía tô, lá sả, lá tre, lá chanh, tía tô, kinh giới, bạc hà,… Đây đều là các cây thuốc quen thuộc được trồng và mọc hoang nhiều trong vườn nhà, ngoài đồng ruộng, rất dễ tìm lại có hiệu quả tốt trong phòng và điều trị nhiều bệnh, đặc biệt giải cảm rất tốt
Bình thường nhiệt độ của cơ thể ổn định là nhờ sự lưu thông ở tuyến da. Khi cơ thể bị cảm, lỗ chân lông bị hàn tà bít lại gây tắc khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, gây ra các triệu chứng: sốt, đau đầu, ngạt mũi, đau họng, rát họng, da khô, không có mồ hôi, khó chịu, đau nhức mình mẩy,… Theo đó, khi xông hơi thì nước nóng làm giãn mạch ngoại biên, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài. Tinh dầu trong các loại thảo dược theo hơi nước qua niêm mạc mắt, mũi, tai, da, làm thông các ống dẫn mắt, mũi, tai và các xoang giúp giảm đau, chống viêm, bớt đau đầu, chóng mặt, khó thở, người bệnh cảm thấy dễ chịu, khoan khoái.
Xông lá trị cảm như thế nào và xông bao nhiêu là đủ?
Xông lá trị cảm như thế nào và xông bao nhiêu là đủ?
Xông lá trị cảm là bài thuốc dân gian rất hiệu quả, theo đó người bệnh có thể xông trị cảm bằng cách rửa các loại lá xông rửa sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi vài phút. Người bệnh ở trong phòng kín, tránh gió lùa. Đặt nồi nước xông trên giường, người bệnh trùm kín chăn ngồi xông từ 10 – 15 phút. Khi tiến hành xông cần có một người ở bên cạnh để phục vụ và chăm sóc người bệnh. Trong lúc xông phải lưu ý tránh nhiệt độ tăng đột ngột. Cần mở nồi xông he hé, từ từ và kiểm soát lượng mồ hôi để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước đột ngột, có thể dẫn đến sốc, tụt huyết áp, trụy tim mạch,… Khi đã ra mồ hôi và cảm thấy dễ chịu thì thôi, không nên xông kéo dài, sau đó dùng khăn bông sạch lau khô người rồi mặc quần áo sạch.
Tuy nhiên bệnh nhân không nên tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở, nếu gặp lạnh sẽ bít lại nước không thoát được sẽ dẫn đến dễ bị cảm, máu huyết lưu thông chậm. Sau khi xông nên ăn cháo hành, lá tía tô, cho thêm chút muối, hoặc uống nước ấm, nghỉ ngơi sẽ rất tốt. Theo các bác sĩ tư vấn, những trường hợp cảm cúm chỉ cần xông khoảng 1 – 2 lần là được. Không nên xông nhiều lần, xông liên tục sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mệt mỏi, bệnh thêm nặng và gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Nguồn: duochoccotruyen.edu.vn