Sau đây là một số bài thuốc dân gian để điều trị mẩn ngứa
Bài 1: phòng phong 20g, ngải diệp 20g, khổ sâm 30g, kinh giới 20g, bạch tiên bì 20g, sà sàng tử 20g, đương quy 20g. Tất cả sắc với 4.000ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước nguội sao cho nhiệt độ vào khoảng 500C là vừa, ngâm rửa vùng bị bệnh trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần. Nếu ngứa toàn thân thì tăng liều lượng mỗi vị gấp đôi hoặc gấp ba, trẻ em thì giảm liều bằng nửa người lớn và để nguội hơn. Nếu ngứa nhiều, có thể tăng lượng khổ sâm gấp đôi. Mỗi thang có thể dùng trong 2 ngày.
Bài 2: dạ giao đằng 200g, thương nhĩ tử 100g, bạch tật lê 100g, bạch tiên bì 20g, sà sàng tử 20g, thuyền thoái 20g. Tất cả sắc với 5.000ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước lạnh cho độ ấm vừa phải, ngâm rửa vùng cơ thể bị bệnh trong 30 phút. Tùy theo diện tích tổn thương mà tăng liều lượng cho phù hợp. Mỗi thang có thể dùng trong 2 ngày, mỗi ngày 2 lần.
Bài 3: đương quy 30g, hoàng tinh 30g, khổ sâm 30g, địa phu tử 30g, sà sàng tử 20g, bạch tiên bì 20g, bạc hà 20g, băng phiến 10g, thấu cốt thảo 30g, hoa tiêu (zanthoxylum bungeanum maxim) 15g. Tất cả sắc với 5.000ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước lạnh cho độ ấm vừa phải, ngâm rửa vùng bị bệnh trong 20 – 30 phút, mỗi ngày 2 lần. Để tiện sử dụng, có thể sắc đặc, cô thành viên, khi dùng hòa với nước sôi, chế thêm nước lạnh, tắm ngâm.
Bài 4: ngải cứu 90g, hùng hoàng 6g, hoa tiêu 6g, phòng phong 30g. Tất cả sắc với 3.000ml nước trong 15 phút, sau đó xông hơi vùng bị bệnh trong vài phút rồi bỏ bã lấy nước ngâm rửa tổn thương, mỗi ngày 2 lần. Tùy theo diện tích bị bệnh mà gia giảm liều lượng các vị thuốc cho phù hợp, trẻ em dùng 1/2 hoặc 1/3 liều người lớn.
Bài 5: kinh giới 30g, phòng phong 30g, tử thảo 20g, thuyền thoái 20g, bạch tật lê 30g, bạch tiên bì 30g, khổ sâm 30g, sà sàng tử 30g, địa phu tử 30g, thổ phục linh 30g, thương truật 30g, hoàng bá 30g. Nếu mẩn ngứa do lạnh thì gia thêm hoàng kỳ 30g, quế chi 30g, tế tân 15g. Nếu mẩn ngứa do nhiệt thì gia thêm sinh địa 30g, xích thược 30g, đan bì 30g. Nếu ngứa dữ dội thì gia thêm ô tiêu xà 30g. Tất cả đem sắc với 5.000ml nước trong 15 – 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước lạnh cho đủ độ ấm, ngâm rửa vùng cơ thể bị bệnh trong 20 – 30 phút, mỗi ngày 1 lần, 6 ngày là 1 liệu trình. Khi dùng cần kiêng ăn đồ sống lạnh, tôm cua cá ốc và các thức ăn có tính kích thích.
Bài 6: khổ sâm 24g, phèn chua 12g, địa phu tử 30g, bạch tiên bì 24g, sà sàng tử 30g, kinh giới 12g, xuyên tâm liên 50g, ngân hoa đằng 50g, bách bộ 30g, bạc hà 12g. Tất cả đem sắc với 5.000ml nước trong 30 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, ngâm rửa vùng tổn thương, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20 – 30 phút, 7 ngày là một liệu trình. Một nghiên cứu đã dùng bài thuốc này khảo sát trên 60 bệnh nhân, kết quả 45 ca khỏi, 15 ca có chuyển biến rõ rệt, so sánh với nhóm đối chứng dùng tân dược bôi ngoài hiệu quả cao hơn có ý nghĩa thống kê.
Bài 7: khổ sâm 30g, địa du 20g, đại hoàng 20g, đại phi dương (hoa ban) 30g, địa phu tử 30g, sà sàng tử 20g, kinh giới 30g, phèn phi 15g, cam thảo 20g. Tất cả đem sắc với 4.000ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước lạnh cho vừa ấm rồi ngâm rửa trong 20 – 30 phút, mỗi ngày 2 lần. Công dụng: thanh nhiệt táo thấp, khứ phong giảm ngứa, chuyên dùng cho các bệnh lý có viêm ngứa ngoài da cấp tính.
Bài 8: kinh giới 30g, phòng phong 30g, xuyên khung 20g, tô diệp 20g, hoàng tinh 30g, sà sàng tử 30g. Tất cả đem sắc với 3.000ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã, chế thêm nước lạnh cho đủ ấm rồi ngâm rửa nơi bị bệnh, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20 – 30 phút.
Theo Dược học cổ truyền, mẩn ngứa ngoài da chủ yếu do 2 nguyên nhân: Do phong hàn hoặc phong nhiệt xâm nhập vào cơ thể, lưu lại ở da (gọi là cơ phu thể biểu) gây nên; Do huyết hư mà sinh phong hóa táo, phong táo gây nên chứng ngứa. Bởi vậy, sử dụng dược dục liệu pháp cũng nhằm đạt được 2 mục đích: Nhờ sức nóng và sức thuốc mà làm tăng lưu thông huyết mạch, làm ra mồ hôi, theo đó mà tà khí cũng được bài trừ; Tăng cường nuôi dưỡng da, làm cho da được nhu nhuận và kích thích các huyệt vị tại chỗ hoặc toàn thân, qua đó đạt được mục đích dưỡng huyết, bổ âm và nhuận táo.
Nguồn: suckhoedoisong.vn