Nội dung bài viết
Ngoài các phương pháp điều trị Tây y thì chúng ta có thể sử dụng các bài thuốc Đông y điều trị các bệnh viêm đường hô hấp đem lại hiệu quả cao mà không tốn quá nhiều kinh phí.
- Cây bạch quả trong Y học cổ truyền có thể điều trị được nhiều bệnh
- Tác dụng tuyệt vời từ cây an xoa
- Bật mí tác dụng chữa bệnh từ bạch quả
Một số bài thuốc Đông y điều trị bệnh viêm đường hô hấp
Bệnh lý đường hô hấp là căn bệnh thường gặp ở trẻ em nên chúng có thể để lại nhiều diễn biến cũng như các biến chứng phức tạp, thậm chí có thể tử vong. Với những tiến bộ khoa học y học vượt bậc, tây y đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc phòng chống bệnh lý đường hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên đã không ít trường hợp, ở trong những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, đông y vẫn có một vai trò quan trọng trên cơ sở thực hành nhiều biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc theo quan điểm “biện bệnh luận trị” hoặc “biện chứng luận trị”, trong đó phương thức biện chứng luận trị vẫn là cơ bản. Vì thế dựa vào từng đặc tính của bệnh thì bạn có thể tham khảo cách điều trị bệnh và sử dụng các bài thuốc dược học cổ truyền như sau:
Viêm đường hô hấp trên cấp tính
Viêm đường hô hấp trên cấp tính không phải là một bệnh đơn lẻ mà là tổng hợp nhiều các bệnh với các triệu chứng khác nhau, cụ thể:
Với thể ngoại cảm phong hàn
Ở thể bệnh này người bệnh có thể thấy lạnh nhưng không ra mồ hôi, đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa họng, ho, không sốt hoặc sốt nhẹ, lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch khẩn. Theo đó, bệnh nhân có thể sử dụng bài thuốc với các vị: tô diệp 6g, kinh giới 6g (cho sau), phòng phong 6g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, cát cánh 8g, tiền hồ 8g, cam thảo 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Với thể ngoại cảm phong nhiệt
Ở thể bệnh này người bệnh có thể bị sốt, ra mồ hôi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, đau mình mẩy, hầu họng đỏ đau, ho khạc đờm vàng, mặt đỏ, họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác. Bệnh nhân có thể sử dụng các vị: liên kiều, kim ngân hoa (mỗi loại 10g), cát cánh 8g, bạc hà 5g, trúc nhự 6g, kinh giới 6g (cho sau), đạm đậu xị 6g, ngưu bàng tử 5g, cam thảo 5g, bản lam căn 10g, hoàng cầm 7g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Mỗi thể bệnh sẽ có bài thuốc điều trị bệnh khác nhau
Viêm khí phế quản cấp tính
Trong đông y, viêm khí phế quản cấp tính thuộc phạm vi chứng khái thấu thường do phong hàn và phong nhiệt gây nên.
Với thể phong hàn khái thấu
Ở thể bệnh này người bệnh thấy ho nhiều có nước mũi, sợ lạnh, không vã mồ hôi, sốt, đau đầu, ngứa họng, mình mẩy đau nhức nặng nề, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhu khẩn.
Sử dụng bài thuốc với các vị: tử uyển 8g, cát cánh 8g, bạch tiền 8g, bách bộ 10g, kinh giới 6g (cho sau), trần bì 3g, bán hạ chế 8g, ma hoàng 3g, hạnh nhân 8g, cam thảo 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Với thể phong nhiệt khái thấu
Người bệnh có thể sốt, ho, nhiều đờm, lưỡi đỏ,.. theo đó người bệnh có thể dùng bài Tang cúc ẩm hợp với bài Ma hạnh thạch cam thang gia giảm, gồm các vị: ma hoàng 3g, thạch cao 18g, hạnh nhân 8g, cam thảo 5g, hoàng cầm 8g, liên kiều 10g, cát cánh 8g, qua lâu nhân 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Viêm phổi
Trong đông y, viêm phổi thuộc phạm vi các chứng như phong ôn, khái suyễn, mã tỳ phong… với nguyên nhân là do chính khí suy nhược, công năng tạng phủ rối loạn khiến tà khí bên ngoài xâm nhập sâu vào phần “lý” (bên trong) mà gây thành bệnh. Theo đó ở mỗi thể bệnh thì người bệnh sẽ điều trị các bài thuốc khác nhau.
Với thể phong tà bế phế
Ở thể bệnh này người bệnh sẽ sốt, ho, khó thở, khạc đờm trắng loãng, không có mồ hôi, không khát, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn hoặc phù sác. Người bệnh dùng bài thuốc Tam ảo thang gia giảm gồm: ma hoàng 3g, hạnh nhân 8g, trần bì 3g, bán hạ chế 8g, kinh giới tuệ 6g (cho sau), bạch giới tử 8g, lai phục tử 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Bệnh nhân chỉ nên sử dụng bài thuốc khi có sự tư vấn của các bác sĩ có chuyên môn
Với thể phong nhiệt bế phế
Triệu chứng: sốt cao, ho nhiều, khó thở, vã mồ hôi, miệng khát, ngực đau, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch sác. Ở thể này người bệnh dùng bài Ma lâu thang gia giảm gồm: ma hoàng 3g, hạnh nhân 8g, thạch cao 12g, cam thảo 5g, qua lâu nhân 10g, lai phục tử 10g, hoàng cầm 10g, liên kiều 10g, săc uống mỗi ngày 1 thang.
Với thể phong ôn bế phế
Ở thể phong ôn bế thế, người bệnh sẽ thấy ho và khó thở nhiều, tắc mũi, sốt cao, vã mồ hôi, phiền khát, đau ngực, môi miệng xanh tím, đờm vàng dính, lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch sác.
Ở thể bệnh này người bệnh có thể dùng bài Ngũ hổ thang hợp với Tam hoàng thạch cao thang gia giảm gồm các vị: ma hoàng 3g, hạnh nhân 8g, thạch cao 12g, cam thảo 5g, hoàng cầm 10g, hoàng liên 3, ngưu bàng tử 6g, lai phục tử 10g, tang bạch bì 10g, hoàng bá 8g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Việc sử dụng các bài thuốc dân gian có thể đem lại hiệu quả cho người bệnh nhưng cũng có thể để lại các tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và sớm có hướng điều trị bệnh kịp thời và chỉ sử dụng các bài thuốc khi có sự tư vấn của các bác sĩ có chuyên môn.
Nguồn: duochoccotruyen.edu.vn