5 vị thuốc tên ngưu bạn cần biết trong Đông y

5 vị thuốc tên ngưu bạn cần biết trong Đông y

Nội dung bài viết

Trong năm Tân Sửu, hãy cùng điểm qua một số vị thuốc tên ngưu có vô vàn công dụng được sử dụng trong Y học cổ truyền.

Ngưu bàng tử là vị thuốc có chứa nhiều loại vitamin

Ngưu bàng tử

Ngưu bàng tử là hạt của quả cây ngưu bàng. Sau khi quả già, cắt phơi khô rồi thu lấy hạt. Theo YHCT, vị thuốc này có tính hàn, vị cay, đắng, vào kinh phế, vị. Ngưu bàng tử có tác dụng sơ tán phong nhiệt, giải độc, lợi tiểu, lợi hầu họng, tuyên phế, thấu chẩn, dùng trị các chứng:

  • Viêm họng sưng đau: Có thể dùng bài thuốc dân gian kết hợp giữa ngưu bàng tử với bản lam căn, cát cánh, bạc hà, cam thảo.
  • Ban chẩn, sởi đậu khó mọc: Ngưu bàng tử phối hợp cát căn, thuyền thoái, bạc hà, kinh giới.
  • Tiểu ngắn đỏ, buốt rắt: Dùng ngưu bàng tử kết hợp với xa tiền, kim tiền thảo, râu mèo.
  • Mụn nhọt: Ngưu bàng tử dùng cùng kim ngân hoa, liên kiều, bạc hà hoặc lá ngưu bàng đắp chữa mụn nhọt.

Ngưu tất

Ngưu tất là loài thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc di thực vào nước ta, hiện được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Trong YHCT, ngưu tất có vị đắng, chua, tính bình, vào kinh can, thận, có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, bổ gan thận, mạnh gân cốt, lợi tiểu. vị thuốc này có thể được dùng để trị các chứng:

  • Chân tay co quắp, lưng gối và các khớp sưng đau, nhất là các khớp ngón tay, ngón chân
  • Đau răng, sưng lợi, bệnh nha chu viêm
  • Xơ vữa động mạch
  • Chứng ngũ lâm tiểu ra ván mỡ, tiểu ra máu, ra sỏi hoặc tiểu nóng buốt, rắt
  • Phụ nữ bế kinh, đau bụng kinh
  • Cholesterol máu tăng, tăng huyết áp

Tuy có lợi nhưng không phải ai cũng có thể dùng ngưu tất. Phụ nữ có thai hoặc băng huyết, đa kinh, những người bị xuất huyết hoặc có nguy cơ chảy máu chú ý không dùng vị thuốc này.

Ngưu tất nam

Ngưu tất nam (cỏ xước) là rễ phơi khô hoặc sấy khô của cây cỏ xước. Là vị thuốc có tính bình, vị đắng, chua, vào các kinh can, thận. Ngày dùng khoảng 6 đến 12g bằng cách sắc. Cỏ xước có tác dụng trị các chứng:

  • Phụ nữ kinh nguyệt không đều
  • Bí tiểu tiện, tiểu buốt dắt
  • Tăng huyết áp
  • Phong thấp, đau lưng, gối, xương khớp, chân tay co quắp

Phụ nữ có thai, người đại tiện lỏng lưu ý không dùng không ngưu tất nam

Ngưu hoàng là dược liệu quý có giá đắt đỏ

Ngưu hoàng

Ngưu hoàng là sỏi mật hay sạn mật từ ống mật chủ hay túi mật của trâu hoặc bò. Vị thuốc này còn được biết đến với một số tên gọi như sửu bảo, tây hoàng hoặc đởm hoàng. Theo Y sĩ YHCT, trong Đông y, ngưu hoàng có vị đắng, tính bình, vào kinh tâm, can, tác dụng thanh tâm, trừ phiền nhiệt, giải độc, thông khiếu, tiêu đờm, định kinh.

Vị thuốc này có thể được dùng để chữa các chứng như:

  • Sốt cao, phát cuồng, co giật, mê sảng, trúng phong, đột quỵ.
  • Hầu họng sưng thũng, lợi sưng thũng, miệng lưỡi sinh mụn nhọt, mắt đỏ sưng thũng.

Ngày dùng từ 0,3 đến 0,6g, dạng thuốc bột. Phụ nữ có thai không được dùng các chế phẩm từ ngưu hoàng.

Thủy ngưu giác

Thủy ngưu giác là sừng của con trâu, thường lấy phần đặc của sừng. Tác dụng trị choáng đầu, hoa mắt, điên giản, kinh phong, hôn mê, thần chí hỗn loạn, lời nói không chuẩn, đờm dãi nhiều.

Trên đây là một số vị thuốc có tên ngưu. Nhìn chung, đây là những vị thuốc có tác dụng bình can, hạ áp, an thần, dùng để trị các chứng liên quan đến xương khớp, thần kinh, tiểu tiện,…

(Lưu ý: Bài viết mang tính chất tham khảo, nên hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng).

Nguồn: duochoccotruyen.edu.vn