Thiên hoa phấn chính là vị thuốc được lấy từ phần rễ của cây qua lâu, có tác dụng giải độc, thanh phế nhiệt, nhuận phế hóa đờm. Đây là dược liệu phổ biến được sử dụng trong nhiều bài thuốc trị bệnh
Nội dung bài viết
Mô tả dược liệu
Tên gọi khác: Qua lâu căn. Tên khoa học: Radix Trichosanthis. Họ: Bầu bí (Cucurbitaceae).
Đặc điểm của thiên hoa phấn: Theo thầy thuốc Y học cổ truyền Sài Gòn, thiên hoa phấn chính là phần rễ của cây qua lâu – một loại được liệu được sử dụng rất phổ biến trong kinh nghiệm dân gian cũng như y học cổ truyền. Rễ cây có dạng hình thoi, hình khối hoặc hình trụ không đều, dài khoảng 6 – 8cm, với đường kính khoảng 1,5 – 5,5cm. Mặt ngoài rễ có màu vàng nhạt hay vàng nâu nhạt. Củ to, khô, da màu vàng ngà, phần thịt trắng, ít xơ, nhiều nột và chắc nặng, không quá già được cho là dược liệu tốt. Còn củ non quá thì thường bở và kém phẩm chất.
Bộ phận dùng: Rễ của cây qua lâu là bộ phận được dùng làm vị thuốc với tên gọi qua lâu căn hay thiên hoa phấn.
Phân bố: Dược liệu này được cho là có nguồn gốc từ Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Riêng ở nước ta, cây qua lâu mọc hoang dại nhiều ở vùng núi Cao Bằng, đồng thời còn mọc trên đất cát hoang ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.
Thu hái và sơ chế: Rễ củ của cây qua lâu thường được thu hái vào mùa đông. Sau khi đào về sẽ đem rửa sạch và gọt bỏ phần vỏ ngoài. Sau đó cắt thành từng đoạn rồi ngâm vào nước sôi trong khoảng 1 tuần rễ. Cuối cùng, lấy ra phơi cho khô để làm vị thuốc.
Bảo quản: Dược liệu đã qua sơ chế khô cần để trong túi kín và bảo quản ở những nơi khô mát, phòng ẩm mốc cũng như mối mọt.
Thành phần hóa học: Phân tích dược liệu thiên hoa phấn ghi nhận sự xuất hiện của một số thành phần bao gồm: Tinh bột; Trichosanthin; Karasurin; Saponosid;
Vị thuốc thiên hoa phấn
Tính vị: Dược liệu thiên hoa phấn được các tài liệu Đông y ghi nhận có vị đắng, hơi ngọt và tính hàn.
Quy kinh: Được quy vào 2 kinh Phế và Vị.
Tác dụng dược lý: Công dụng: Nhuận táo, chỉ khát, sinh tân dịch, giảm đau, giải độc. Chủ trị: Dược liệu được dùng chữa các chứng nóng sốt, lở ngứa, viêm tấy, hoàng đản, miệng khô khát, mụn nhọt, ho khan do phế nhiệt.
Cách dùng – liều lượng: Thầy thuốc YHCT Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cho biết tùy thuộc vào từng bài thuốc mà có thể kết hợp dược liệu này với nhiều vị thuốc với các cách dùng khác nhau. Thông dụng nhất vẫn là tán bột, làm hoàn hoặc sắc lấy nước uống. Liều dùng được khuyến cáo cho 1 ngày rơi vào khoảng từ 12 – 16g. Có thể điều chỉnh cho tương thích với từng bài thuốc nhất định.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu thiên hoa phấn
Bài thuốc chữa sốt rét: Chuẩn bị: 8g thiên hoa phấn, 8g sài hồ, 12g mẫu lệ, 8g quế chi, 8g hoàng cầm, 6g can khương, 6g cam thảo. Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm, thêm 1 thăng nước để sắc lấy nước đặc. Uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa sốt nóng, vàng da, miệng khô khát: Chuẩn bị: 8g thiên hoa phấn cùng 8g rễ cây é lớn đầu. Thực hiện: Các vị thuốc đem thái nhỏ, phơi khô rồi cho vào ấm sắc với 200ml nước. Thu lấy 50ml, bỏ bã và uống 1 lần khi còn ấm. Ngày dùng đúng 1 thang.
Bài thuốc chữa quai bị: Chuẩn bị: 8g thiên hoa phấn, 16g thạch cao, 12g cát căn, 12g ngưu hoàng, 8g cát cánh, 8g hoàng cầm, 8g thăng ma, 8g liên kiều, 4g cam thảo cùng 4g sài hồ. Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm, sắc lấy nước đặc. Bỏ phần bã và chia đều làm 3 lần uống, liều mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường:
- Bài thuốc 1: Cần 8g thiên hoa phấn, 20g thục địa, 20g hoài sơn, 12g kỷ tử, 12g thạch hộc, 12g đơn bì, 8g sa sâm cùng 8g sơn thù. Các vị thuốc trên đem đi sắc nhiều lần để lấy nước đặc. Bỏ bã uống trong ngày, dùng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 16g thiên hoa phấn, 16g đương quy, 16g phục linh cùng 30g hoàng liên. Các vị thuốc đem trộn đều rồi nghiền thành bột mịn và làm hoàn. Ngày uống 12 – 16g cùng với nước sắc bạch mao căn.
- Bài thuốc 3: Cần có 30g thiên hoa phấn, 30g sinh địa, 8g cam thảo, 16g cát căn, 16g ngũ vị tử cùng 16g mạch môn. Các vị thuốc trộn đều, nghiền bột. Mỗi lần lấy 10g bột thuốc cho vào ấm, thêm 20g gạo tẻ rồi sắc lấy nước uống khi còn ấm.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị 32g thiên hoa phấn, 10g hoàng liên, 32g mạch môn, 32g sinh địa cùng 32g huyền sâm. Các vị thuốc đem đi sắc nước uống, liều 1 thang/ngày.
Bài thuốc chữa mụn nhọt lâu ngày không khỏi: Theo Dược học cổ truyền bạn cần chuẩn bị: 8g thiên hoa phấn, 10g bạch chỉ cùng với 10g ý dĩ. Thực hiện: Ba vị thuốc trên đem sắc lấy nước hoặc trộn đều rồi tán thành bột mịn uống với nước sôi ấm. Dùng liều lượng 1 thang/ngày.
Bài thuốc chữa tắc sữa: Cần có 8g thiên hoa phấn, 12g bạch thược, 6g thông thảo, 6g thanh bì, 6g cát cánh, 8g xuyên sơn giáp, 8g sài hồ cùng 8g đương quy. Đem các vị thuốc này đi sắc lấy nước đặc, uống mỗi ngày 1 thang.