Khổ Qua Rừng còn được gọi với tên khác là Mướp đắng rừng…Đây là một loại được liệu được các thầy thuốc áp dụng trong nhiều bài thuốc đặc biệt hữu ích.
Nội dung bài viết
Thông tin cần biết về cây cây Khổ Qua Rừng
Khổ Qua Rừng là một loại cây thuốc quý, thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae), cây có tên khoa học là Momordica charantia. Khổ qua rừng có xuất xứ từ một số quốc gia châu Á, Châu Phi và châu Úc như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Australia…Ở nước ta, khổ qua rừng có thể mọc hoang dại ở nhiều vùng đồi núi khác nhau. Thế nhưng, phổ biến hơn ở khu vực miền Nam.
Khổ qua rừng là loài dây leo thân thảo có chu kỳ sống hằng năm khoảng từ 5 đến 6 tháng. Thân cây có cạnh, dạng dây leo bằng tua cuốn và có thể bò dài tới khoảng 2 -3 m. Lá cây khổ qua rừng là lá so le, dài khoảng 5 đến 10cm, rộng 4 đến 8cm. Phiến lá hình trứng và chia làm 5 đến 7 thùy, mép kía răng. Phần gân lá có lông ngắn, mặt dưới lá thường có màu nhạt hơn mặt trên.
Hoa đực và hoa cái của Khổ qua rừng sẽ mọc tách riêng ở phần nách lá. Cánh hoa khổ qua rừng có màu vàng. Phần quả có hình thoi với chiều dài khoảng 8 đến 10cm, mặt bên ngoài có nhiều u lồi. Quả non sẽ có màu xanh và khi chín thì chuyển dần sang màu vàng hồng.
Theo chia sẻ từ các dược sĩ, giảng viên Trung cấp Y học cổ truyền cho biết, cây Khổ Qua Rừng có chứa một số thành phần hóa học như Charantins, Peptide, Ancaloit và Momocđixin. Bên cạnh đó, hàng loạt các thành phần dưỡng chất như chất xơ, vitamin, chất béo, khoáng chất cũng được tìm thấy trong lá và quả khổ qua rừng.
Khổ Qua Rừng và một số bài thuốc trị bệnh hữu dụng
Chữa tiểu đường: Sử dụng 10 g dược liệu Khổ qua rừng ở dạng khô. Ăn vào sau mỗi bữa ăn mỗi ngày 3 lần để giúp hạ đường huyết. Cách này đặc biệt phù hợp nhất với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Trị nóng trong người: Sử dụng 10 g trái khổ qua phơi khô. Sau đó, mang khổ qua hãm trực tiếp trong khoảng 250 ml nước nóng. Chờ đến khi nước ấm rồi uống trực tiếp mỗi ngày 1 ly. Có thể thêm chút mật ong cho bớt vị đắng giúp dễ uống hơn.
Trị bệnh rôm sảy: Sử dụng Phần lá và dây khổ qua khoảng 1 nắm lớn. Mang đi rửa sạch rồi nấu lên với khoảng 2 lít nước. Dùng nước này để tắm hằng ngày cho đến khi rôm sảy biến mất.
Chữa côn trùng cắn: Sử dụng 10 g hạt của quả khổ qua đã già. Nhai kỹ hạt, nuốt nước rồi dùng bã đắp trực tiếp vào vết cắn. Tình trạng sưng đau sẽ nhanh chóng được xoa dịu.
Trị ho và viêm họng: Sử dụng một ít phần hạt của trái khổ qua già. Nhai kỹ phần hạt rồi nuốt nước từ từ và bỏ xác. Một số thành phần từ nước hạt có tác dụng làm dịu cổ họng. Đồng thời hỗ trợ làm giảm sưng và giảm kích ứng.
Những điểm cần chú ý khi sử dụng các bài thuốc từ Khổ Qua Rừng
Khi sử dụng dược liệu Khổ Qua Rừng để điều trị bệnh, các y sĩ Y học cổ truyền Sài Gòn cũng khuyến cáo người bệnh nên lưu ý một số điểm để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có như sau:
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa: Nếu dùng quá nhiều khổ qua rừng sẽ gây các triệu chứng tiêu chảy, lỵ cũng như các bệnh về dạ dày.
- Kích thích sẩy thai: Một số thành phần trong Khổ qua rừng gây kích thích tử cung. Những cơn kích thích nhẹ thường gây khó chịu, đau bụng. Thế nhưng tình trạng kích thích mạnh có thể dẫn đến sinh non hay sẩy thai.
- Không tốt cho sữa mẹ: Phụ nữ đang trong thời gian cho con bú được khuyến cáo là không nên ăn khổ qua rừng. Bởi một số thành phần mang độc tính nhẹ có trong khổ qua sẽ truyền qua sữa mẹ. Đặc biệt là khổ qua mọc hoang dại hay được trồng ở những vùng thổ nhưỡng bị nhiễm kim loại nặng. Độc tính thường sẽ không gây ảnh hưởng ngay đến người lớn nhưng với trẻ con thì vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn.
- Gây hạ đường huyết: Đây cũng là một trong những tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng khổ qua rừng. Kể cả những bệnh nhân tiểu đường cũng không nên dùng quá nhiều thảo dược này. Ăn nhiều không chỉ khiến lượng đường trong máu giảm đột ngột mà còn gây hạ huyết áp. Các triệu chứng thường gặp là hoa mắt, đau đầu, chóng mặt. Những người bị huyết áp thấp được khuyến cáo là nên hạn chế ăn khổ qua rừng.
Bài viết chỉ có tính chất tham khảo về thảo dược Khổ Qua Rừng. Nếu có nhu cầu sử dụng Khổ Qua Rừng để trị bệnh các bạn nên hỏi ý kiến của các bác sĩ hay thầy thuốc có chuyên môn để được tư vấn cụ thể liều dùng.