Theo Dược học cổ truyền, quả trám là một loại quả dùng làm thực phẩm và có tác dụng chữa bệnh tốt. Trám có nhiều loài khác nhau: trám trắng, trám đen, trám hồng.
- Món ăn bài thuốc chữa bệnh từ hạnh nhân
- Món ăn bài thuốc chữa rối loạn cương
- Món ăn bài thuốc an thần mát gan giải nhiệt độc từ rau nhút
Quả trám còn gọi thanh quả hay cảm lãm (fructus canarii), được thu hái khi chín; có thể dùng tươi hoặc đem muối, sau đó phơi khô, hoặc sấy khô để chế các món ăn, có lợi cho hầu họng.
Thành phần hóa học, quả trám đen chứa protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten, acid oleannolic, một số khoáng chất: Ca, K, P, Fe, Mg, Mn, Zn, Cu… và vitamin C. Hạt quả trám chứa các acid béo.
Theo Y học cổ truyền, quả trám có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc. Được dùng trị các bệnh về hầu họng sưng đau, ho nhiều đờm, viêm ruột, lỵ, tiêu chảy, khát nước. Quả xanh có tác dụng giải độc. Quả chín có tác dụng an thần, trị động kinh. Ngày dùng 6 – 12g, dưới dạng nhai nuốt nước, hoặc dạng nước sắc.
Món ăn bài thuốc trị bệnh từ quả trám
Trị đau họng, sưng amidan, ho, miệng khô, khát nước: quả trám rửa sạch, bỏ hạt, nấu với nước, nấu 2 – 3 lần, mỗi lần đun sôi 1 giờ, để lắng, gạn bỏ cặn, lọc qua vải xô, cô thành cao 2:1, thêm đường đủ ngọt, ngày uống 2-3 lần trước bữa ăn, mỗi lần 5-10ml. Có thể uống nhiều ngày liền cho đến khi hết các triệu chứng.
Trị đau nhức xương khớp: vỏ trám hồng, cạo bỏ lớp bần bên ngoài, thái nhỏ, sắc nước uống, ngày 10 – 12g, chia 3 lần sau bữa ăn. Có thể thay vỏ bằng lá trám.
Trị lỵ: quả trám tươi khoảng 90g, để nguyên hạt sắc với nước (2 – 3 lần), gộp dịch chiết, cô lại lấy cao, theo tỷ lệ 1:1, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn. Khi uống cần kiêng ăn các thứ tanh: cua, cá, lòng trắng trứng… Có thể uống nhiều ngày cho tới khi hết các triệu chứng.
Trị lở sơn: vỏ cây trám, cạo bỏ lớp bần, thái nhỏ, nấu nước tắm, ngày 2 lần.
Trị đau răng, sâu răng: quả trám đốt thành than, tán bột mịn, trộn với một ít xạ hương, rồi bôi và xỉa vào chỗ răng đau. Hoặc lấy vỏ thân cây trám trắng cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, thái mỏng phơi khô, sắc lấy nước, ngậm 10 phút rồi nhổ đi. Ngày làm nhiều lần. Có thể phối hợp với rễ chanh, rễ cây trẩu hoặc rễ cà dại.
Trị nứt nẻ kẽ ngón và gót chân khi trời rét: hạt trám trắng đốt thành than, tán mịn, trộn đều với dầu thực vật, bôi vào chỗ đau.
Trị tràng nhạc (loa lịch): hạt trám, hạt gấc, vỏ quả mướp đắng, đốt thành than, tán bột mịn, trộn đều với dầu thực vật hoặc mỡ lợn, bôi vào chỗ đau.
Trị hóc xương cá: quả trám trắng hoặc trám đen, nhai giập nuốt dần lấy nước; hoặc lấy 5 quả trám, sắc lấy nước, ngậm và nuốt dần. Hoặc chỉ lấy phần thịt quả trám, giã nát, ép lấy nước, uống dần. Hoặc lấy hạt quả trám, đốt tồn tính, rễ cây đậu ván trắng, thái nhỏ. Cả hai tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi lần uống 4 – 6g. Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng với trường hợp bị hóc các xương cá nhỏ.