Phổi dê theo Dược học cổ truyền có vị ngọt, tính bình; vào phế. Có tác dụng bổ phế ích khí, thông điều thuỷ đạo. Dùng cho các trường hợp giãn phế quản ho, thở gấp, thở ngắn, đái tháo đường; đái rắt, đái ít, đái khó, đái đêm.
- Món ăn bài thuốc chữa bệnh từ hạnh nhân
- Món ăn bài thuốc chữa rối loạn cương
- Món ăn bài thuốc phòng chống phì đại tuyến tiền liệt
Món ăn bài thuốc bổ khí tiện kỳ từ phổi dê:
Đậu đỏ hầm phổi dê: Phổi dê 1 lá thái lát, đậu đỏ nhỏ hạt 100g. Phổi dê thái lát, cho đậu đỏ, thêm nước muối, gia vị nấu nhừ. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường, tiểu ít, nước tiểu đỏ đục.
Canh phổi dê, đậu hũ: Phổi dê 1 lá, thịt dê 100g, đậu phụ 100g, muối, nước. Phổi dê và thịt dê rửa sạch thái lát; thêm gia vị nấu canh thịt. Dùng cho người bệnh đái nhiều.
Cao bổ phế: Phổi dê 1 lá, hạnh nhân 60g, mứt hồng thị 60g, pho-mát 60g, bột gạo 60g, đường trắng 60g. Phổi dê rửa sạch thái lát. Tất cả thêm nước hầm nhừ. Dùng cho người bệnh viêm phổi, viêm phế quản mạn tính ho lâu ngày.
Cháo phổi dê: Phổi dê 1 lá, gạo nếp 100g. Phổi dê rửa sạch, thái nhỏ, thêm gạo nấu thành cháo. Khi ăn, múc cháo ra bát, thêm hành, rau thơm và muối vừa ăn. Món này bổ dưỡng, tốt cho người hen suyễn, viêm khí phế quản, tiêu chảy, đau loét dạ dày tá tràng.
Súp thịt dê phổi dê: Phổi dê 1 lá, thịt dê 120g. Phổi dê và thịt dê rửa sạch thái lát, thêm muối mắm gia vị nấu canh ăn khi đói. Dùng cho người hạ tiêu hư lãnh, đau mỏi vùng thắt lưng, đầy lạnh phần bụng dưới, tiểu nhiều lần, tiểu đêm.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người viêm gan; người miệng lưỡi lở loét, sưng nhức chân răng. Hạn chế ăn cùng dấm, dưa hấu, bí đỏ và gia vị có tính cay nóng (ớt, hạt tiêu, gừng, đinh hương, hồi hương…); không uống nước trà sau khi ăn thịt dê.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn